Chiều 08/01/2021, tại BV PS An Thịnh đã diễn ra buổi tập huấn – nâng cao về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ theo thông tư số 51/2017/TT BYT
Sốc phản vệ là gì ?
Sốc phản vệ là tai nạn, rủi ro, biến cố không mong muốn trong quá trình dùng thuốc: tiêm truyền, chích ngừa, uống, bôi,…; trong sinh hoạt: sử dụng thực phẩm, bị côn trùng đốt… với tần suất ≈ 0,05 – 2 % dân số, tỷ lệ xuất hiện ngày càng tăng. Sốc phản vệ được xã hội đặc biệt quan tâm vì có nhiều người bệnh tử vong đáng tiếc.
Thực tiễn xử trí cấp cứu sốc phản vệ còn nhiều bất cập do xử trí quá chậm, điều dưỡng không thể chẩn đoán được sốc phản vệ để dùng thuốc, bác sĩ không thể có mặt kịp thời để quyết định chẩn đoán và xử trí.
Bệnh viện Phụ sản An Thịnh tập huấn đề phòng, chẩn đoán và xử trí sốc phản vệ
Công tác triển khai thông tư số 51/2017/TT-BYT: “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ” giúp nhân viên y tế và người bệnh nhận biết sớm và xử trí cấp cứu kịp thời khi có sốc phản vệ, điều này giúp ngăn chặn có hiệu quả tiến triển của sốc phản vệ đe dọa tính mạng người bệnh.
Tại lớp học viên đã được cập nhật về triệu chứng, chẩn đoán xử trí sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể gặp nguyên nhân do dị ứng thuốc, ong đốt, dị ứng thức ăn… Bệnh cảnh lâm sàng từ nhẹ đến nặng:
- Nhẹ : ban đỏ, mày đay, phù quanh mắt, phù mạch
- Trung bình: khó thở, tím, khò khè, buồn nôn, nôn, chóng mặt, vã mồ hôi, đau bụng.
- Nặng: Spo2 < 92%, huyết áp tâm thu < 90mmhg ( người lớn ), rối loạn ý thức ngất, đại tiểu tiện mất tự chủ.
Khi xảy ra phản ứng phản vệ đòi hỏi người thấy thuốc phải xử trí nhanh :
- Ngừng ngay tiếp xúc với dị nguyên( thuốc tiêm, uống, bôi, nhỏ mắt)
- Đặt bệnh nhân nằm ngay tại chỗ, đầu thấp, chân cao. Theo dõi huyết áp 10-15 phút/lần. Tư thế nằm nghiêng nếu có nôn.
- Adrenalin là thuốc cơ bản để chống sốc phản vệ. Adrenalin 1/1000 ( 1mg= 1ml) tiêm bắp với liều sau: người lớn 0,5- 1 ống. Trẻ em cần pha loãng 1 ống với 9ml nước cất để có được dung dịch 1/10.000 sau đó tiêm 0,1mg/kg. Tiêm adrenalin liều trên cứ 10-15 phút/lần đến khi huyết áp trở lại bình thường.
Kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn tại khóa học giảng viên THS BS Phạm Thị Thanh Quỳnh cùng các cán bộ y tế tại viện đã trao đổi rút kinh nghiệm về việc xử trí sốc phản vệ ở các khoa, phòng qua các bệnh án lưu.
Việc đào tạo cập nhật các kiến thức chuyên môn nằm trong chương trình đào tạo liên tục của Bệnh viện phụ sản An Thịnh.